Đẩy hết nội thất vào sát tường hoặc tạo quá nhiều điểm nhấn trong phòng khiến không gian trở nên thiếu cân bằng, rối mắt.
Dưới đây là những sai lầm bạn nên tránh khi sắp xếp đồ đạc trong nhà.
Không cân nhắc các khu vực trò chuyện
Không ai muốn phải hét lên, rướn người về phía trước hoặc nghển cổ để có thể trò chuyện thường xuyên khi ở trong một căn phòng cùng người khác. Vì vậy, khi sắp xếp nội thất phòng khách, hãy lưu ý rằng ghế sofa và ghế bành nên đối mặt nhau ở một mức độ nào đó.
Với không gian rộng, lỗi này có vẻ dễ mắc hơn, nhưng hãy nhớ rằng bạn có thể tạo nhiều khu vực trò chuyện trong cùng một phòng.
Đẩy nội thất vào sát tường
Điều này nghe có vẻ trái ngược, nhưng nếu bạn muốn căn phòng của mình trông rộng rãi hơn, đẩy tất cả nội thất vào sát tường không phải là việc nên làm. Làm như vậy sẽ khiến đồ đạc không có chỗ “thở”, đồng thời khiến khoảng trống ở giữa trông như hang động. Kéo nội thất ra xa tường một chút sẽ giúp các khu vực trò chuyện trong phòng trở nên gần gũi hơn và tạo cảm giác cân bằng tốt hơn. Ngay cả trong một căn phòng nhỏ, bạn vẫn có thể chừa cho đồ đạc một chút không gian riêng.
Bỏ qua tính thực tiễn
Bạn có phải là kiểu người thích gác chân lên bàn cà phê? Có bao giờ bạn mang đồ ăn vào ngồi ăn trong phòng khách? Nếu bạn thích nhâm nhi rượu vang khi ngồi trên đi văng thì sao? Đây là không gian sống của bạn, hãy tính toán cách sắp đặt đồ đạc sao cho thật thuận tiện với mục đích sử dụng, chẳng hạn vị trí đặt đồ uống xuống không nên để quá xa tầm với.
Tạo quá nhiều điểm nhấn
Mỗi phòng nên có một điểm nhấn (yếu tố nổi bật nhất và giúp thu hút thị giác đầu tiên). Nó giúp cố định không gian và tạo khu vực tự nhiên để xếp đồ đạc xung quanh. Đôi khi nó xuất hiện một cách tự nhiên, bạn không cần tự tạo ra nó.
Điều cần lưu ý là mỗi căn phòng chỉ nên có một điểm nhấn nếu không muốn trở nên lộn xộn và gây khó hiểu về mặt thị giác. Để tạo không gian thanh thoát và cân bằng, đây là nguyên tắc bạn nên thuộc nằm lòng.
Không chú ý cách sắp đặt lối đi
Khi xếp đồ đạc vào một căn phòng, đừng bao giờ quên khoảng trống dành cho việc đi lại và giúp mọi người thoải mái khi ở trong không gian đó. Không ai muốn phải vất vả nhích người để đi qua các điểm khác nhau. Tạo lối đi thuận tiện, không ngoằn ngoèo là một trong những yêu cầu cơ bản trong sắp xếp nội thất.
Thiếu sự cân bằng
Đặt quá nhiều nội thất về một phía của căn phòng sẽ gây cảm giác mọi thứ bị nghiêng và mất cân bằng. Để tránh mắc lỗi này, hãy phân bố đều mọi thứ trong không gian. Điều này không có nghĩa mọi căn phòng cần được sắp xếp nội thất đối xứng, mấu chốt là phải đạt được sự cân bằng nhất định.
Ví dụ, nếu bạn đặt một chiếc ghế sofa ở một bên của căn phòng, bạn nên cân bằng nó với một món nội thất nào đó có trọng lượng thị giác tương đương ở bên còn lại. Đó có thể là chiếc ghế sofa khác, một cặp ghế hay một cái tủ – bất cứ thứ gì hợp lý để đặt trong căn phòng.
Chắn cửa sổ
Ánh sáng tự nhiên rất quan trọng trong bất kỳ không gian nào, và thường thì càng nhiều cửa sổ càng tốt. Theo nguyên tắc chung, hãy tránh hết mức có thể việc đặt đồ đạc ngay trước cửa sổ gây chắn sáng. Khi ánh sáng bị cản lại, căn phòng có thể trông nhỏ hơn, ngột ngạt và chật chội hơn. Tuy nhiên, quy tắc này sẽ khó thực hiện nếu bạn lắp đặt cửa sổ kéo dài từ trần đến sàn.
Trong trường hợp nhất thiết phải đặt nội thất trước cửa sổ, hãy đảm bảo tối đa hóa ánh sáng tự nhiên còn lại thông qua việc sử dụng gương, bề mặt phản chiếu hoặc có kế hoạch thiết kế ánh sáng thông minh.
Thiếu khu vực sinh hoạt
Một sai lầm phổ biến khác là không xem xét các khu vực sinh hoạt khi sắp xếp nội thất. Chẳng hạn, đa số gia đình sẽ sử dụng phòng khách không chỉ để tiếp khách, mà còn rất nhiều hoạt động khác nữa như ngồi xem TV, làm bài tập về nhà, vẽ tranh… Hãy sắp xếp mọi thứ theo nhu cầu cụ thể của từng hoạt động để đảm bảo về chỗ ngồi, ánh sáng và không gian thích hợp.
Bảo Chi (Theo The Spruce)